• 028 3939 0897
  • info@rensei.com.vn

Ba mẹ đã biết cách xây dựng sự tự tin cho con?


Một đứa trẻ tự tin sẽ có những suy nghĩ tích cực, khả năng phát triển tư duy cao và dễ dàng thành công hơn những bạn nhỏ rụt rè, nhút nhát. Vậy làm cách nào để xây dựng sự tự tin ở trẻ nhỏ, hãy tham khảo ngay bài viết dưới đây!

TẠI SAO PHẢI XÂY DỰNG SỰ TỰ TIN Ở TRẺ?

Mỗi bậc phụ huynh đều mong con được phát triển trong môi trường tốt nhất, tự do khám phá và học hỏi được nhiều điều mới lạ trong cuộc sống. Tuy nhiên, khi rời xa vòng tay bảo bọc của cha mẹ, không phải đứa trẻ nào cũng đủ dũng cảm để bước ra ngoài thế giới rộng lớn kia. 

Muốn làm được điều này, trẻ phải có đủ bản lĩnh và tự tin khi tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Vậy nên, sẽ thật tuyệt vời nếu trẻ có thể lớn lên với lòng tự tin, những suy nghĩ tích cực về cuộc sống. Bởi lẽ, những điều này sẽ giúp trẻ:

BỘC LỘ TIỀM NĂNG

Tâm lý rụt rè, nhút nhát khiến trẻ không dám đưa ra quan điểm cá nhân hoặc ngại tham gia các trò chơi, hoạt động tập thể. Về lâu dài, điều này sẽ làm trẻ ngày càng thụ động, khó bộc lộ tiềm năng bản thân. 

Bạn có biết những nhà khoa học nổi tiếng như Albert Einstein hay Thomas Edison? Các vị ấy đã thành công với hàng loạt phát minh khoa học vĩ đại nhờ sự tự tin dám đưa ra quan điểm cá nhân. Vì vậy, việc xây dựng sự tự tin là một điều kiện giúp trẻ có cơ hội thể hiện quan điểm cá nhân, dễ dàng bộc lộ tiềm năng vốn có cũng như tư duy phản biện của mình.

LÀM CHỦ BẢN THÂN

Xây dựng sự tự tin vào bản thân là nhân tố quan trọng để trẻ hình thành tính cách độc lập, tự chủ. Không hiếm những trường hợp các em nhỏ có tính nhút nhát thường bị bắt nạt, không dám lên tiếng và dẫn đến trầm cảm. 

Trẻ nhút nhát vẫn có thể học giỏi, vâng lời nhưng sẽ dần mất đi khả năng làm chủ bản thân. Chúng sẽ dễ dàng bị chi phối bởi môi trường xung quanh. Dễ bị người khác tác động, dễ nhạy cảm và cảm xúc không ổn định. Đây chính là tác nhân hàng đầu ảnh hưởng đến bước đường thành công.

ĐỊNH HƯỚNG TƯƠNG LAI

Những đứa trẻ tự tin thể hiện quan điểm, cảm xúc, có khả năng tư duy phản biện sẽ có cơ hội gặt hái được nhiều thành công trong tương lai. Trẻ tự tin sẽ dễ dàng phát huy sở trường, thế mạnh của bản thân ngay từ khi còn nhỏ. Điều này giúp trẻ có những định hướng sớm cho tương lai.

PHƯƠNG PHÁP PHÁT TRIỂN SỰ TỰ TIN Ở TRẺ 

Xây dựng sự tự tin chính là hành trang quan trọng để trẻ vượt qua những chướng ngại vật và thành công trong cuộc sống. Bạn có thể áp dụng những phương pháp dưới đây để hình thành sự tự tin ở trẻ:

DÀNH THỜI GIAN LẮNG NGHE VÀ TRÒ CHUYỆN VỚI TRẺ

Cuộc sống thường ngày vốn dĩ bận rộn với nhiều gánh nặng trên vai. Vậy nên các bậc phụ huynh dường như quên dành thời gian để lắng nghe những tâm sự của con trẻ. Chính điều này cản trở rất nhiều cho việc xây dựng sự tự tin trong con. Con sẽ cảm thấy mình không được lắng nghe, mình không đủ tốt, không ai ủng hộ mình. Dần dần bé sẽ trở nên rụt rè, nhút nhát. 

Vậy nên, việc thường xuyên trò chuyện với con không chỉ giúp gắn kết tâm hồn. Mà còn là cơ hội để bạn tìm hiểu và biết được những khúc mắc trong lòng trẻ. Từ đó, giúp con giải quyết vấn đề, phát huy những điểm mạnh và định hướng phát triển tương lai.

Đối với những bạn nhỏ nhút nhát, ba mẹ hãy chia sẻ, tâm sự cùng con. Điều này còn giúp ta tìm ra được nguyên nhân gốc rễ khiến trẻ trở nên tự ti. Từ đó, giúp trẻ xây dựng sự tự tin, thoát khỏi vùng an toàn. Cũng như hòa nhập hơn với môi trường xung quanh.

KIÊN TRÌ VỚI NHỮNG SAI LẦM CỦA TRẺ

Với độ tuổi còn quá nhỏ, việc sai sót là điều không thể tránh khỏi và cũng rất dễ hiểu. Một lời chê trách của cha mẹ có thể khiến trẻ trở nên tự ti hoặc thậm chí tổn thương.

Bất kỳ ai cũng cần quá trình để học hỏi, khám phá và rút ra cho mình. Nhất là sau những bài học sau vấp ngã. Thay vì chỉ trích mỗi khi con sai phạm. Bạn hãy khuyến khích và động viên để tạo động lực cho con sửa sai và phấn đấu tốt hơn.

ĐỪNG TIẾT KIỆM LỜI KHEN, CÔNG NHẬN NHỮNG VIỆC CON LÀM

Mỗi chúng ta, sau khi hoàn thành xong bất kỳ việc gì đều mong muốn nhận được sự khen ngợi. Và trẻ nhỏ cũng vậy! Hãy luôn dành những lời khen cho con dù việc làm của bé có thể chẳng hoàn hảo. Nhưng điều đó sẽ động viên tinh thần giúp con tự tin hơn. 

Vậy khen ngợi và công nhận như thế nào? Lúc con được điểm cao, hãy công nhận con đã rất chăm chỉ, và điều này là xứng đáng. Lúc con giúp đỡ ông bà, bạn bè hãy công nhận con là đứa trẻ biết quan tâm người khác. Hay cả một bức tranh con vẽ, hãy khen con rất biết cách phối màu và có năng khiếu.

Chỉ cần những câu nói nhỏ nhẹ như vậy thôi, chúng ta đã góp phần xây dựng sự tự tin trong con rất nhiều!

RÈN LUYỆN CHO CON SỰ TỰ LẬP

Sự bảo bọc quá đà từ gia đình là một trong những nguyên nhân khiến trẻ trở nên nhút nhát, ngại giao tiếp và khó thích nghi với môi trường lạ. 

Bạn phải chấp nhận cho con đối mặt với những khó khăn và thử thách để trẻ tạo dựng tính tự lập. Đừng cố gắng giúp trẻ làm tất cả mọi việc. Thay vào đó, hãy để con tự làm những việc trong khả năng của mình. Bạn có thể dạy trẻ cách tự lập từ những việc nhỏ như giúp đỡ cha mẹ làm việc nhà, vệ sinh cá nhân, sắp xếp bàn học, quần áo…

TÔN TRỌNG SỞ THÍCH CỦA CON

Mỗi bé đều có những sở thích và năng khiếu đặc biệt của riêng mình. Thay vì áp đặt con phải làm thế này, thế kia, bạn hãy tôn trọng những quyết định của con nhưng cũng đừng quên giải thích cho chúng mặt lợi, mặt hại của vấn đề. 

Nếu trẻ thích chơi đất sét, vẽ tranh hay muốn trang trí phòng riêng theo ý mình, hãy để trẻ được tự do sáng tạo và làm điều mình muốn. Bởi lẽ, đây là lúc trẻ được phát triển cái tôi, tự khẳng định bản thân. Chính điều này sẽ giúp trẻ khám phá, tiếp cận những điều thú vị. Đặc biệt là cơ hội để trẻ bộc lộ khả năng tiềm ẩn!

Hy vọng bài viết trên sẽ giúp các bậc phụ huynh thấu hiểu con nhiều hơn. Cũng như từng bước giúp trẻ xây dựng sự tự tin để phát triển toàn diện trong tương lai!

Leave a Reply

Your email address will not be published.

Đăng ký tư vấn và học thử miễn phí